10 NGUYÊN NHÂN TRẺ SƠ SINH KHÓC
- Thanh Hương
- Aug 21, 2024
- 5 min read
Updated: Aug 22, 2024
Khóc là cách trẻ sơ sinh nói với cha mẹ về nhu cầu của bé và nhiều vấn đề khác để nhận được sự trợ giúp từ bạn.
Khi con chưa biết nói, cách hiệu quả nhất để bé "thông báo" với bố mẹ chính là khóc.
Khóc là cách bé thể hiện với cha mẹ về nhu cầu của bé, cũng như nhiều vấn đề khác con đang gặp phải để nhận được sự trợ giúp từ bạn.
Rất nhiều người lớn nghĩ rằng em bé sơ sinh khóc chỉ là vì bé ĐÓI, và kéo theo đó chúng ta sẽ liên tục cho bé bú để dừng việc con khóc. Tuy nhiên cách làm này khá là hên xui - hên thì đúng lúc con đói thật, mà xui thì con không những không bú mà cũng chẳng ngừng khóc.
Do đó việc hiểu những gì con đang muốn truyền đạt tới bạn thông qua tiếng khóc là điều rất cần thiết. Vậy ngoài khóc vì đói thì con sẽ khóc vì những điều gì?

1. Trẻ sơ sinh khóc vì ĐÓI
Đây có thể là lý do đầu tiên bạn nghĩ đến khi con khóc. Khi đói, trẻ có thể sẽ khóc không ngừng nghỉ cho đến khi nhận được sự chú ý. Cha mẹ cần để ý tới tiếng khóc và tín hiệu cơ thể của con để cho con ăn trước khi bé quá đói hoặc rơi vào trạng thái bị kích động.
Để nhận biết được liệu em bé sơ sinh của chúng ta có đang khóc vì đói hay không, cha mẹ cần quan sát thêm những cử chỉ cơ thể và cả thời gian, chất lượng các cữ bú trước đó của bé.
2. Trẻ sơ sinh khóc vì BUỒN NGỦ
Có những lúc bé mệt mỏi, bé có thể chìm vào giấc ngủ dễ dàng, tuy nhiên đa số thời gian, trẻ sẽ “báo hiệu” cơn buồn ngủ bằng cách "khóc" và các tín hiệu cơ thể như dụi mắt, ngáp.
Nếu con bị quá mệt, hay còn được gọi là quá giấc, con sẽ đặc biệt cáu gắt.
3. Trẻ sơ sinh khóc vì BỈM BẨN
Làn da của bé rất nhạy cảm, việc đi t.è, ị ra bỉ.m sẽ làm da bé khó chịu và kh.óc để báo hiệu cho bạn biết. Hãy kiểm tra bỉm của trẻ thường xuyên, thay bỉm cho con khi thấy bỉm nặng, bề mặt bỉm quá ẩm ướt, hoặc sau 2-3h.
4. Trẻ sơ sinh khóc vì vấn đề TIÊU HÓA
Một số lý do bạn có thể nghĩ đến khi con khóc là bé bị đau bụng, đầy hơi, tá.o bón...Trẻ sơ sinh sẽ nuốt cả không khí khi bú sữa mẹ hoặc ti bình, và bụng con có thể sẽ khó chịu vì có nhiều bong bóng khí, khi đó, con sẽ khóc để biểu đạt sự khó chịu của mình.
Bị táo bón cũng là nguyên nhân làm cho bé khóc. Hay thậm chí việc đóng bỉm/tã quá chặt cũng làm đau bụng bé, đặc biệt khi bé lại ăn no, thì điều này càng làm cho bé không thoải mái.
5. Trẻ sơ sinh khóc do HỘI CHỨNG COLIC
Nếu con bạn khóc từng cơn với cường độ khác nhau nhiều hơn ba tiếng đồng hồ liên tục trong ba ngày hoặc nhiều hơn trong ít nhất ba tuần và không có lời giải thích y khoa nào về tình trạng khóc của bé, thì rất có thể bé bị đang ở giai đoạn khóc dạ đề (colic) - một thuật ngữ dùng để mô tả tiếng khóc không thể kiểm soát ở một trẻ khỏe mạnh.
Cơn khóc và sự khó chịu của trẻ do Colic có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào trong ngày, nhưng thường là căng thẳng nhất vào khoảng 6 giờ chiều và nửa đêm.
6. Quá nóng hoặc quá lạnh đều có thể là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh cất tiếng khóc
Khả năng điều hòa thân nhiệt của trẻ sơ sinh chưa được hoàn thiện. Do đó, khi bé thấy quá nóng hoặc lạnh, bé có thể phản ứng lại bằng cách khóc.
Khi bạn cởi quần áo để thay tã/bỉm hoặc làm vệ sinh cho bé bằng khăn lạnh, sự thay đổi nhiệt độ bất ngờ cũng có thể khiến bé rùng mình và khóc.
Hoặc khi bạn mặc cho bé quá nhiều quần áo khiến bé quá nóng, bị đổ mồ hôi, gây ra khó chịu cũng là một nguyên nhiên khiến bé khóc. Một số bé có thể chuyển thành s.ốt khi bị quá nóng.
7. Đau/Khó chịu khiến trẻ sơ sinh khóc
Bé có thể khóc vì lý do bị đau: do thun quần áo quá chặt, do tóc quấn chặt vào ngón tay gây đau và làm giảm lưu thông máu, do côn trùng chích..
Một số bé có thể rất nhạy cảm với loại vải mà con mặc, hoặc bị ngứa do các loại mác gắn ở quần áo gây ra.Hay thậm chí có bé rất nhạy cảm từ những việc nhỏ nhất, ví dụ bạn bế sai tư thế hoặc con bú sữa nóng/lạnh hơn sữa vẫn bú hàng ngày.
Bạn hãy thường xuyên kiểm tra cơ thể và đồ dùng của con đảm bảo loại bỏ tối đa các tác nhân gây ra sự khó chịu cho bé.
8. Trẻ sơ sinh bị QUÁ KÍCH THÍCH
Sự kích thích đến từ thế giới xung quanh bé khiến bé cảm thấy hứng thú, tuy nhiên không phải lúc nào bé cũng thấy hào hứng với các kích thích đó.
Có rất nhiều những thứ bé chưa thể xử lý hoặc khó để xử lý thông tin ví dụ như quá nhiều ánh sáng, tiếng ồn, bị truyền từ tay người nọ sang người kia...
Lúc này khóc là một cách để bé nói rằng “con đã đủ kích thích rồi” và cần được trấn tĩnh lại.
9. Chán/Muốn có thêm sự kích thích
Trẻ sơ sinh cũng biết chán. Đó là khi con phải ở quá lâu trong một môi trường nhàm chán hoặc chơi quá lâu một hoạt động mà con đã quá quen thuộc. Con đang muốn khám phá thêm về thế giới nên cách để hỗ trợ con lúc này là đổi cảnh và đổi hoạt động cho con.
10. Trẻ sơ sinh bị ỐM khiến con khóc quấy.
Nếu bạn đã đáp ứng tất cả những nhu cầu cơ bản của con, an ủi vỗ về nhưng con vẫn khóc thì có thể sức khỏe của bé có thể đang gặp vấn đề gì đó.
Hãy thử cặp nhiệt độ cho bé để kiểm tra xem bé có sốt và kiểm tra, theo dõi kĩ xem bé có biểu hiện ốm đau nào không.
Khi con bạn khóc mà bản năng mách bảo bạn có gì đó không đúng, hãy đưa con đến gặp bác sĩ ngay để kiểm tra nhé.
Comentários