top of page

4 GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC Ở TRẺ theo học thuyết PIAGET

  • Writer: Thanh Hương
    Thanh Hương
  • Jul 12, 2024
  • 10 min read

Updated: Aug 22, 2024




Theo học thuyết về phát triển nhận thức của Jean Piaget, trẻ sẽ trải qua 4 giai đoạn phát triển tâm lý khác nhau. Học thuyết này không chỉ tập trung vào việc tìm hiểu cách trẻ tiếp thu kiến thức mà còn đi sâu khám phá bản chất của trí thông minh.


Piaget tin rằng chính đứa trẻ là người giữ vai trò chủ động trong quá trình học tập, các con giống như một nhà khoa học nhỏ thực hiện những thí nghiệm đơn giản, quan sát và từ đó, tìm hiểu thế giới quanh mình.


Khi trẻ tương tác với thế giới xung quanh, con đang liên tục tiếp thu những kiến thức mới, phát triển những kiến thức sẵn có và liên tục thích ứng những thứ đã có với thông tin mới xuất hiện.


PIAGET đã phát triển học thuyết của mình như thế nào? 


Piaget sinh ra ở Thụy Sỹ vào cuối những năm 1800. Ông xuất bản bài báo cáo khoa học đầu tiên của mình khi mới 11 tuổi. Ông bắt đầu tiếp xúc với đề tài “Sự phát triển trí tuệ của trẻ em” khi ông làm trợ lý cho Alfred Binet và Theodore Simon trong quá trình chuẩn hóa bộ trắc nghiệm IQ nổi tiếng của họ.


Sự quan tâm đặc biệt tới quá trình phát triển nhận thức của trẻ em được truyền cảm hứng cho Piaget từ những quan sát của ông về cháu trai và con gái của mình. Những quan sát này củng cố cho giả thuyết mới hình thành của ông rằng TÂM TRÍ CỦA TRẺ EM KHÔNG CHỈ ĐƠN THUẦN LÀ PHIÊN BẢN NHỎ HƠN CỦA TÂM TRÍ NGƯỜI LỚN.


Cho tới thời điểm đó, trẻ em phần lớn vẫn được đối xử đơn giản như một phiên bản thu nhỏ của người lớn. Piaget là một trong những người đầu tiên xác định rằng cách mà bọn trẻ suy nghĩ hoàn toàn khác với cách suy nghĩ của người lớn.

Piaget đồng thời cũng đưa ra quan điểm rằng TRÍ THÔNG MINH là 1 thứ lớn lên và phát triển thông qua các giai đoạn khác nhau. Trẻ lớn hơn không chỉ suy nghĩ nhanh hơn các em bé mà còn có sự khác nhau cả về lượng và chất trong quá trình hình thành suy nghĩ giữa trẻ ở các độ tuổi khác nhau.


Dựa trên những quan sát của mình, Piaget kết luận rằng trẻ em không hề kém thông minh hơn người lớn mà chỉ đơn giản là con suy nghĩ theo một cách khác. Albert Einstein gọi những khám phá của Piaget là “điều vô cùng đơn giản mà chỉ một thiên tài mới có thể nghĩ ra”.


Học thuyết giai đoạn của Piaget mô tả sự phát triển nhận thức của trẻ qua các giai đoạn khác nhau. Phát triển nhận thức liên quan đến những thay đổi trong quá trình nhận thức và khả năng nhận thức. Theo quan điểm của Piaget, phát triển nhận thức trong giai đoạn sớm sẽ bao gồm các quá trình dựa trên các hoạt động, và sau đó tiến triển dần thành những thay đổi trong hoạt động trí óc.

 

PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC Ở TRẺ TRẢI QUA 4 GIAI ĐOẠN


1. Giai đoạn phát triển cảm giác – vận động (Sensorimotor Stage of Cognitive Development)


  • Độ tuổi: Từ sơ sinh đến 2 tuổi 

  • Các đặc trưng và sự thay đổi chính:

    • Trẻ tìm hiểu thế giới qua các chuyển động và cảm giác.

    • Trẻ tìm hiểu thế giới thông qua các hoạt động cơ bản như bú mút, cầm nắm, nhìn và nghe.

    • Trẻ nhận biết được các vật thể sẽ vẫn tồn tại dù ta có nhìn thấy chúng hay không (đối với các vật thể tồn tại lâu dài)

    • Trẻ nhận biết bản thân mình là một cá thể độc lập với những người và đồ vật xung quanh.

    • Trẻ học tập thông qua quá trình đồng hóa và thích nghi.


Trong suốt giai đoạn đầu tiên này, trẻ sẽ trải qua quá trình phát triển và học tập đáng kinh ngạc. Khi trẻ tương tác với môi trường sống, con sẽ liên tục có nhiều khám phá mới về cách thế giới vận hành. Mặc dù giai đoạn triển nhận thức này diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nhưng đây lại là giai đoạn phát triển vượt bậc của trẻ. Trẻ không chỉ học cách tự thực hiện các hoạt động cơ thể như bò hay bước đi, mà con còn học được ngôn ngữ từ những người con thường xuyên tương tác cùng.


Piaget cho rằng ban đầu phản ứng của trẻ đối với thế giới chỉ thuần tuý mang tính phản xạ (không có tư duy). Trí tuệ bắt đầu khi các phản ứng trở nên có mục đích hơn. Trong suốt thời gian này, trẻ dựa vào các giác quan và hoạt động thể chất để học hỏi về thế giới như nhìn, nghe, xúc giác, vị giác, cầm nắm.


Đến cuối giai đoạn này thì sự ổn định của đối tượng (Object permanence) sẽ dần xuất hiện. Sự ổn định có nghĩa là trẻ dần nhận thức được rằng ngay cả khi trẻ không thể nhìn thấy cái gì đó thì nó vẫn tồn tại. Đây là một cột mốc quan trọng, trước khi đạt được cột mốc này trẻ chỉ quan tâm tới những gì trong tầm quan sát của chúng.


  1. Khi quan sát ta sẽ thấy tầm dưới 8 tháng tuổi, trẻ có thể làm rơi đồ vật từ trên xuống nhưng không hề bối rối. Với trẻ lúc này thì sự vật rời khỏi tầm nhìn của chúng thì chúng không quan tâm đến nữa. Từ góc nhìn của trẻ thì đồ vật không còn tồn tại.

  2. Rồi bỗng nhiên, đến tháng thứ 8 – 10 khi vật rơi xuống trẻ sẽ cúi nhìn về phía đó và nhặng xị lên đòi lại nó. Thường các bậc cha mẹ nhặt đồ vật lên sẽ cảm thấy ngạc nhiên và lạ lùng khi bé mỉm cười rồi lại ném đồ vật xuống chỗ cũ.

  3. Trên thực tế đây không phải là sự khởi đầu của việc trẻ nỗ lực làm người lớn phát điên, mà đây chính là khoảnh khắc bùng nổ niềm vui sướng của con khi khám phá và học hỏi.

  4. Đây cũng là giai đoạn trẻ thể hiện sự lo âu khi bị tách rời.  


Để hỗ trợ sự phát triển của trẻ dưới 2 tuổi, Piaget khuyên rằng chúng ta vẫn cần giữ cho trẻ an toàn, đồng thời vẫn có được sự tò mò hứng thú và ngày khi trẻ xuất hiện nỗi lo âu bị xa cách cha mẹ cần phản hồi để trấn an trẻ.


  1. Hãy cho con chơi các đồ chơi để kéo và đẩy, thao tác.

  2. Con thường xuyên được tạo cơ hội bò trườn, leo trèo và được người lớn đỡ cho đứng lên mà không gặp nguy hiểm.

  3. Môi trường dành cho trẻ cần đa dạng. Trẻ có nhiều cơ hội leo trèo để học được cách thử nghiệm mối liên hệ về không gian và hình học, sự cân bằng thông qua thân thể mình.

  4. Đồ chơi nên đa dạng, gây hiệu ứng (như tạo tiếng động). Trẻ cũng nên thường xuyên được trải nghiệm với đồ chơi mềm mại như đất nặn không có độc, tinh bột ngô, nước, cát…

  5. Gương và những đồ trang sức cần để ở nơi trẻ dễ lấy sẽ khiến trẻ hứng thú hơn.

  6. Sự phát triển nhận thức cũng được kích thích khi người lớn thường xuyên trò chuyện cùng trẻ, thủ thỉ nói cho các em biết điều gì đang diễn ra và khen ngợi khi các em hoàn thành nhiệm vụ nào đó.

  7. Khi trẻ nhỏ bắt đầu có kinh nghiệm về sự ổn định của đối tượng, con bắt đầu xuất hiện cảm giác lo âu xa cách thì điều quan trọng là cần hạn chế sự thay đổi trong môi trường của trẻ ở mức tối đa.


 

2. Giai đoạn tiền thao tác (Preoperational Stage of Cognitive Development) 


  • ĐỘ TUỔI: Từ 2 đến 7 tuổi. 

  • Các đặc trưng và thay đổi chính:

    • Trẻ bắt đầu suy nghĩ có tượng hình hơn và học cách sử dụng từ ngữ và hình ảnh để miêu tả đồ vật.

    • Các con có xu hướng tập trung vào bản thân nhiều hơn và chỉ nhìn mọi thứ từ góc độ quan điểm của bản thân. 

    • Trẻ giai đoạn này có xu hướng đề cao bản thân và gặp khá nhiều khó khăn trong việc nhìn nhận từ góc độ của người khác.

    • Mặc dù ngôn ngữ và tư duy đã phát triển hơn nhưng trẻ vẫn có thường suy nghĩ một cách đơn giản, rạch ròi về mọi thứ.

    • Các nền tảng phát triển ngôn ngữ có thể xuất hiện từ giai đoạn trước nhưng phải đến giai đoạn này, sự xuất hiện của ngôn ngữ mới trở thành một trong những dấu hiệu đặc trưng, giúp phân biệt giai đoạn tiền thao tác này với các giai đoạn khác.

    • Trong giai đoạn này trẻ trở nên rất thành thạo và thích thú với các trò chới nhập vai, đóng giả nhân vật, mặc dù cái nhìn về thế giới xung quanh con vẫn còn khá đơn giản và cụ thể.


Theo Piaget, sau giai đoạn cảm giác vận động thì sự nhận thức của trẻ bước vào giai đoạn tiền thao tác, bắt đầu từ năm thứ 2 cho đến 7 hoặc 8 tuổi. Đây là giai đoạn mà tư duy của trẻ có sự khác biệt so với tư duy của cha mẹ rõ rệt nhất.


Piaget cho rằng giai đoạn này trẻ có tính duy kỷ (nghĩ về mọi thứ như thế những thứ ấy đều gắn liền với chúng), trẻ chỉ tập trung vào một đặc tính sự vật hoặc chú ý vào một người trong một thời điểm nhất định. Ví dụ quen thuộc có thể thấy là khi trẻ muốn mua đồ chơi nhồi bông làm quà cho ông bà cha mẹ vì đây là món đồ con thích thì có nghĩa mọi người cũng sẽ thích.


Trong giai đoạn này, trẻ hình thành khái niệm từ những trải nghiệm trực tiếp của mình trong cuộc sống. Đây chính là lý do những điều cha mẹ nói với trẻ ít có tính hiệu quả hơn là việc hướng dẫn cho trẻ nghĩ và làm theo cách riêng của con.


Trẻ ở giai đoạn này có xu hướng tin vào những gì con thấy và chưa có sự hiểu biết chắc chắn về những phẩm chất của những đối tượng trong thế giới. Ví dụ: con thường bị lẫn lộn giữa “nặng” và “lớn”, con chưa phân biệt chiều cao với tuổi và cho rằng ai cao hơn sẽ sẽ nhiều tuổi hơn.


Piaget đã thực hiện một thí nghiệm kinh điển với bài tập Bảo toàn để minh hoạ kiểu tư duy này. Ông để hai dãy đồng xu trên mặt bàn, cả hai dãy có cùng số lượng xu, và khoảng cách giữa các đồng xu ở 2 dãy khác nhau. Trẻ ở độ tuổi này có xu hướng sẽ cho rằng dãy có đồng xu cách xa nhau hơn là nhiều hơn.


Ở giai đoạn này trẻ suy nghĩ phụ thuộc vào kinh nghiệm của riêng mình nên thường có xu hướng khái quát hoá sai lầm, đặt niềm tin vào một kinh nghiệm đơn thuần nào đó.


Để hỗ trợ giai đoạn phát triển nhận thức này của trẻ, chúng ta có thể:

  1. Sắp xếp những gói thời gian dài để trẻ vui chơi tự do không bị ngắt quãng.

  2. Tạo cơ hội cho trẻ có nhiều trải nghiệm về thế giới thực tế.

  3. Khích lệ con thử – sai và sửa để tạo ra nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm khác nhau.

  4. Xây dựng các hoạt động mang tính mở và đặt những câu hỏi mở.


 

 3. Giai đoạn thao tác cụ thể (Concrete Operational Stage of Cognitive Development) 


  • Độ tuổi: Từ 7 đến 11 tuổi. 

  • Các đặc trưng và thay đổi chính: ­

    • Trong suốt giai đoạn này, trẻ bắt đầu suy nghĩ có logic hơn về một sự kiện cụ thể nào đó.

    • Trẻ bắt đầu nắm bắt được các khái niệm về giao tiếp, biết so sánh sự tương đồng của mực chất lỏng ở các bình chứa thấp rộng và các bình chứa cao hẹp cùng thể tích. 

    • Con bắt đầu tư duy một cách có logic và có kết cấu hơn, song vẫn còn rất cụ thể và đơn giản. 

    • Giai đoạn này con cũng bắt đầu sử dụng tư duy logic và đúc kết nguyên nhân từ những thông tin cụ thể để tư duy đến những nguyên lý mang tính tổng quát.

    • Mặc dù đầu óc trẻ giai đoạn này vẫn còn khá đơn giản nhưng con đã cho thấy nhiều dấu hiệu thích nghi và logic hơn. Việc tập trung vào bản thân của giai đoạn trước bắt đầu biến mất khi trẻ bắt đầu nhận biết được góc nhìn khác nhau của mọi người cho cùng một sự kiện.


Khi trẻ bước sang giai đoạn thao tác cụ thể, con bộc lộ nhiều thay đổi trong cách tư duy như tư duy đảo ngược, cho phép trẻ đảo ngược hướng tư duy của mình. Ví dụ, trẻ có thể lần ngược lại các bước trên sân trường để tìm hộp cơm để quên. Trẻ không còn đếm ngón tay nữa vì trẻ bắt đầu có khả năng tư duy trừu tượng. Khi lên 4 tuổi thì mọi con chó đều được gọi là chó, nhưng khi lên 8-9 tuổi thì trẻ biết phân biệt giữa các loại chó.



 

4. Giai đoạn thao tác chính thức (Formal Operational Stage of Cognitive Development) 


  • Độ tuổi: Từ 12 tuổi trở lên. 

  • Các đặc tính và thay đổi chính:

    • Ở giai đoạn này, trẻ vị thành niên bắt đầu có nhiều suy nghĩ trừu tượng hơn và tư duy nhiều hơn về các vấn đề mang tính giả thiết. 

    • Các suy nghĩ trừu tượng xuất hiện. 

    • Trẻ dậy thì bắt đầu nghĩ nhiều hơn về các vấn đề đạo đức, triết học, luân thường đạo lý, xã hội và chính trị, những vấn đề đòi hỏi óc tư duy trừu tượng và khái quát lý thuyết.

    • Bắt đầu sử dụng đầu óc để suy diễn, tư duy từ một nguyên lý chung đến một thông tin cụ thể.

    • Khả năng tư duy về các vấn đề và tình huống trừu tượng là dấu mốc phân biệt cốt lõi của giai đoạn này. Khả năng lên kế hoạch theo hệ thống cho tương lai và cân nhắc về các tình huống mang tính giả định cũng là các khả năng quan trọng xuất hiện trong giai đoạn này.


Giai đoạn cuối cùng Piaget chỉ ra là giai đoạn hình thức, giai đoạn này bắt đầu từ lúc 11-12 tuổi và được đánh dấu bằng năng lực tư duy logic, bằng những thuật ngữ mang tính giả đinh.


Trẻ sẽ trăn trở những câu hỏi như “Liệu có sai không khi ăn trộm thức ăn cho những con chó đang đói của bạn?”, hoặc “khi một cái cây đổ mà không ai ở đó nghe nó đổ, liệu nó có tạo ra tiếng động không..?”

  

KẾT LUẬN 


Mặc dù hiện nay học thuyết của Piaget đã không còn thống trị phổ biến như trước đây nhưng vẫn không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng lớn lao của nó lên cách con người tìm hiểu về các giai đoạn phát triển ở trẻ.


Piaget là một trong những nhà khoa học đầu tiên cho rằng cách tư duy của trẻ và người trưởng thành về căn bản là khác nhau. Rất nhiều ý tưởng có được từ các quan sát của Piaget với chính con cái của mình.


Học thuyết của Piaget đã mở đường cho hàng loạt các nghiên cứu chuyên sâu hơn về quá trình phát triển trí tuệ ở trẻ sau này.


Σχόλια


  • Facebook

bubu.huong

0932.23.57.23

Email 

Zalo

Copyright ©2024 Bubuhuong - Làm cha mẹ thích cực

bottom of page